CHUÔNG GIÓ TRONG PHONG THỦY
Không phải ngẫu nhiên mà chuông gió rất được ưa chuộng trên toàn thế giới. Từ phương đông đầy màu sắc huyền bí đến phương tây hiện đại năng động, từ các công trình thiêng liêng như đền, chùa đến các cửa hàng nhộn nhịp người ra vào, bạn đều có thể bắt gặp chiếc chuông gió từ cầu kỳ đến đơn giản. Phải chăng chuông gió chỉ là một vật dụng trang trí, đem lại thanh âm vui tai cho người treo hay chuông gió còn ẩn chưa bí mật gì đó. Chuông gió trong phong thủy có tác dụng gì? Nếu bạn cũng đang thắc mắc thì đừng bỏ qua bài viết này nhé.
Chuông gió trong đời sống hằng ngày
“… Trưa nghe chuông gió gọi,
Lữ khách muôn dặm về,
Bờ kia ai đứng đợi?
Gót mòn dấu sơn khê.”
(Chuông gió – Trường Khánh)
Theo truyền thuyết, chuông gió là vật dụng gắn kết tình yêu giữa hai người. Nếu vô tình để lạc mất nhau, người con gái sẽ rung từng hồi chuông, nhờ gió dẫn đường cho người con trai trở về. Như bài thơ trên, người lữ khách vô tình nghe tiếng chuông gió để rồi phải vượt muôn dặm đường xa để trở về bên người mình yêu.
Ngoài ra, nhắc đến chuông gió chúng ta sẽ nghĩ ngay đến tiếng leng keng trong trẻo. Giữa cuộc sống đời thường hối hả, nhộn nhịp, còn gì bình yên hơn khi ta ngồi một mình đối diện với chính ta, tiếng đinh đang của chuông gió vang lên hòa trộn giữa thế giới vật chất và tinh thần sẽ khiến ta cảm thấy thanh thản, an yên lạ thường. Tiếng chuông gió như một công tắc kích hoạt phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn ta, những ký ức, những kỷ niệm xa xôi dần dần hiện về. Đơn giản vậy thôi, chỉ có ta và tiếng chuông gió nhưng trọn vẹn đủ đầy.
Thật là thiếu sót khi không nhắc đến chuông gió Furin của Nhật Bản, đây là loại chuông gió được yêu mến nhiều nhất. Trong văn hóa Nhật Bản, chuông gió là hình ảnh tượng trưng cho mùa bên cạnh pháo hoa, cảnh bình minh, kem đá bào. Hình ảnh chiếc chuông gió thủy tinh dạng tròn đơn giản có gắn chiếc lá gió cầu may xinh xắn với âm thanh trong trẻo luôn hiện diện trong các căn nhà Nhật Bản. Furin được treo ở bên trong nhà, cửa sổ, hoặc ở phía ngoài mái hiên để đón gió. Người Nhật tin tưởng rằng âm thanh của những chiếc chuông gió sẽ giúp xoa dịu cái oi bức, ngột ngạt của mùa hè và có thể gọi gió đến vào những buổi trưa hè nóng bức. Mỗi màu sắc trên chuông gió mang một ý nghĩa riêng theo chủ ý của người chế tác hoặc người tặng. Ví dụ màu đỏ tượng trưng cho mặt trời rực rỡ; màu trắng hiện thân của tinh khôi trong trắng.
Chuông gió trong phong thủy
Nếu bạn nghĩ chuông gió chỉ là vật dụng trang trí góp phần sinh động cho ngôi nhà thì bạn đã nhầm rồi. Khi bạn treo chuông gió đúng phong thủy chắc chắn đây sẽ là vật xua đuổi tà ma và hút vận may, tài lộc vào nhà, mang lại bình an, sức khỏe cho gia đình của bạn.
Nếu ngôi nhà bạn ở khu vực quá yên tĩnh, nhờ vào âm thanh của chuông gió có thể khuấy động toàn bộ không gian “tĩnh” từ âm sang dương, đẩy các năng lượng tiêu cực ra khỏi phòng và luân chuyển các nguồn năng lượng trì truệ trong nhà nhờ đó mà âm khí không tích tụ, giảm thiểu được năng lượng xấu hay vong linh trú ngụ trong nhà bạn, đem lại cát khi, an lành và may mắn cho căn nhà.
Theo văn hóa Nhật Bản, chuông gió có tác dụng bảo vệ con người và xua đuổi các thế lực ma quái. Người Nhật tin rằng nếu bạn sống trong khu vực có thể nghe được tiếng chuông gió thì những điều bất hạnh sẽ không bao giờ tới. Hình ảnh chuông gió treo dưới hiên nhà được coi là biểu tượng của sự may mắn, như một thứ bùa cầu may, mang lại cảm giác bình an cho gia chủ. Người Nhật thường viết những điều ước của mình lên mảnh giấy dưới chuông gió với ý nghĩa tiếng chuông sẽ đưa điều ước của họ đến với thần linh.
Treo chuông gió ở đâu thì tốt?
Để tận dụng tối đa tác dụng của chuông gió trong phong thủy bạn phải biết cách treo chính xác.
- Hướng treo chuông gió
Để kích hoạt vận may, nên treo chuông gió ở hướng tây và tây bắc của ngôi nhà. Bạn nên sử dụng chuông gió bằng kim loại. Về hướng Tây Bắc của phòng khách và văn phòng có thể treo chuông để kích hoạt vận may cho gia chủ, treo ở hướng Tây cho vận may và sức khỏe dồi dào. Phía đông và phía nam của ngôi nhà nên sử dụng chuông gió làm từ gỗ hoặc tre, còn phía bắc nên treo chuông gió bằng sứ. Như vậy, chuông gió góp phần điều tiết năng lượng của Ngũ hành trong nhà.
- Vị trí treo và số lượng thanh chuông gió
Nếu cửa chính đối diện với đường, treo chuông gió ở góc trên bên trái của cửa, có thể hóa sát.
Nếu cửa sổ của nhà đối diện với cửa sổ nhà khác, thì treo chuông gió ở cửa sổ, để gia tài của nhà không bị bên kia ảnh hưởng.
Đặc biệt bạn phải chú ý đến số lượng các thanh của chuông gió. Con số 6 và 8 là những con số phổ biến nhất với chiếc chuông gió tạo năng lượng có lợi. Còn số 5 được coi là con số đẹp nhất khi bạn muốn ngăn chặn năng lượng xấu do ngôi sao chiếu mệnh hàng năm.
- Một số nơi trong nhà không nên treo chuông gió
Cũng như những vật phong thủy khác, nếu bạn treo chuông gió ở những nơi không nên treo sẽ mang lại tác dụng ngược.
Chuông gió không nên treo ở trên đường quỷ (quỷ tuyến) của ngôi nhà. Đường quỷ được xác định bằng cách vẽ một đường thẳng từ Đông Bắc của ngôi nhà đến phía Tây Nam ở đối diện.
Chuông gió cũng không nên treo trong phòng vệ sinh. Bởi vì chuông gió khi rung động sẽ “chiêu âm”, mà âm khí của phòng vệ sinh rất nặng, sẽ dẫn tới điều không lành.
Khí trường của phòng ngủ thích hợp tĩnh không thích hợp động, do vậy cũng không nên treo chuông gió.
Phòng bếp có hỏa khí. Treo chuông gió sẽ kích thích những hỏa khí này, cho nên cũng không nên treo chuông gió trong phòng bếp.
Ngoài ra bạn nên đặc biệt lưu ý phải treo chuông gió ở nơi đầy đủ ánh sáng. Chuông gió thích hợp treo ở nơi “dương khí thịnh”, tức là nơi có đầy đủ ánh nắng và thông gió. Treo như vậy, chuông gió sẽ có tác dụng hóa sát. Chuông gió được khai quang chính thức sẽ càng phát huy tác dụng rõ rệt.
Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp bạn có thêm lựa chọn về vật phẩm phong thủy cho gia đình mình. Nếu bạn dùng chuông gió làm quà tặng, thì đây chắc chắn sẽ là món quà rất ý nghĩa cho người thân của mình.
Bình luận
trương đào 15/04/2019